-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bệnh Liệt Mặt, Méo Miệng: Những Thông Tin Quan Trọng Bạn Cần Biết
Ngày đăng: 20/08/2024
Bệnh liệt mặt, méo miệng là một bệnh lý thần kinh sọ não phổ biến thường gặp vào mùa lạnh, đặc biệt vào sáng sớm ở nhiều người, không kể độ tuổi, giới tình. Một số trường hợp có thể xảy ra tạm thời tuy nhiên một số khác nếu không phát hiện và có giải pháp kịp thời có thể gây tổn thương vĩnh viễn, tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm giảm chất lượng cuộc sống. Thế Giới Sữa sẽ chia sẻ thông tin hữu ích cho bạn về căn bệnh liệt mặt, méo miệng này ở bên dưới nhé.
Bệnh liệt mặt là gì?
Dây thần kinh mặt hay dây thần kinh số 7 bao gồm các sợi cảm giác, vận động, kiểm soát các biểu cảm trên khuôn mặt. Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7, liệt Bell, khi một phần cơ mặt trở nên yếu hoặc chảy xệ xuống do dây thần kinh điều khiển cho cơ mặt bị tổn thương hoặc mất chức năng.
Liệt dây thần kinh số 7 có 2 loại, gồm: liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (mất/ giảm vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt) và liệt dây thần kinh số 7 trung ương (mất vận động 1/4 dưới của nửa mặt, thường à tổn thương liên quan đến não và kèm theo tổn thương thần kinh khu trú khác).
Hầu hết bệnh nhân liệt mặt có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng cũng có một số người phải mang di chứng suốt cuộc đời. Liệt mặt hai bên rất hiếm gặp với tỷ lệ chỉ 0,3-2% các bệnh liệt trên khuôn mặt.
>> Có thể bạn chưa biết: Loãng Xương Là gì? Cách Ngăn Ngừa Loãng Xương Ở Người Già
Nguyên nhân gây nên bệnh liệt mặt
Nguyên nhân thực sự của bệnh liệt mặt hiện vẫn chưa được xác định cụ thể, song có một vài yếu tố phổ biến liên quan nhiều đến bệnh liệt mặt:
- Thời tiết lạnh (phổ biến nhất): thường xảy ra vào ban đêm hay khi bệnh nhân nhiễm lạnh hoặc vào mùa hè khi nhiệt độ điều hòa quá thấp, tiếp xúc trực tiếp với mặt, khi cơ thể không cân bằng thân nhiệt kịp với khí lạnh
- Virus và nhiễm trùng: chẳng hạn như virus herpes simplex, gây ra viêm dây thần kinh mặt, zona thần kinh, virus quai bị,...
- Các biến chứng của một số bệnh: chấn thương thái dương, xương chũm, khối u góc tiểu cầu não, chấn thương sọ não,...
- Người có tiền sử viêm tai mũi họng kéo dài
- Các bệnh lý/ chấn thương đến khuôn mặt
Bên cạnh đó, một số đối tượng phổ biến có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Phụ nữ mang thai
- Người phải đi sớm về khuya dễ bị nhiễm lạnh
- Thường xuyên thức khuya
- Ít vận động
- Người có tiền sử bệnh tim mạch: huyết áp, xơ vữa động mạch
- Tâm lý hay căng thẳng
Triệu chứng của liệt mặt
Biểu hiện của bệnh liệt mặt rất đa dạng, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và mức độ nghiêm trọng đạt đến đỉnh điểm trong vòng 48 đến 72 giờ:
- Không thể chớp mắt, nhắm mắt, khô mắt, tuyến lệ hoạt động kém, sụp mí
- Cơ mặt xệ xuống, cứng đột ngột, tê một bên hoặc hoàn toàn mặt
- Miệng chảy dãi, không thể khép miệng, khó khăn khi nói, cười, nhai nuốt
- Giảm vị giác
- Tăng tiết nước bọt
- Cảm giác đau quanh xương hàm, xương chũm, thái dương
- Nhạy cảm với âm thanh
- Trường hợp do virus herpes simplex hay herpes zoster gây ra sẽ bị đau dữ dội và bắt đầu tiết mụn nước, bắt đầu phát triển thành hội chứng Ramsay Hunt - các mụn nước ở vòm miệng
Ngoài ra, nếu căn bệnh này kéo dài, không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng phức tạp:
- Các bệnh về mắt: bệnh nhân sau khi xuất hiện hội chứng liệt dây thần kinh số 7 sẽ có nguy cơ mắc bệnh về mắt do biến chứng như viêm giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí hay loét giác mạc, hội chứng nước mắt cá sấu (tăng tiết nước bọt và nước mắt)
- Độ linh động cơ mặt: cơ mặt co thắt không ổn định dẫn đến mất cảm giác. Thêm vào đó mắt và miệng không thể khép chặt
Giải pháp phòng ngừa và điều trị
Phòng ngừa: nên duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, tránh uống rượu bia, không thức khuya, và bảo vệ cơ thể khỏi gió lạnh. Cần chú ý phòng ngừa cảm cúm và các loại virus gây bệnh, đồng thời nâng cao sức đề kháng để giảm nguy cơ mắc các bệnh có thể dẫn đến liệt mặt (đái tháo đường, các vấn đề về tai mũi họng, hoặc các khối u trong hệ thần kinh trung ương).
Điều trị: phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy theo mức độ và giai đoạn của bệnh:
- Vật lý trị liệu: phương pháp trị liệu mát xa, các bài tập rèn luyện thần kinh cơ cùng châm cứu sẽ giúp dây thần kinh lấy lại cảm giác
- Dùng thuốc: người bệnh có thể dùng thuốc Corticosteroid trong 72 giờ kể từ khi có các triệu chứng trong vòng 10 ngày. Dùng thuốc Acyclovir hay Valacyclovir để điều trị virus Herpes zoster
- Phẫu thuật: Nếu viêm dây thần kinh không cải thiện sau 3 tháng điều trị bảo tồn và không có phản ứng về tốc độ dẫn truyền thần kinh mặt cũng như không có hoạt động tiềm năng khi xét nghiệm điện cơ, thì có thể cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị bằng phẫu thuật.
Lưu ý: Khi gặp tình trạng kể trên bạn hãy đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ chuyên môn chuẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp nhé.